a

Facebook

Twitter

Copyright 2021 Luật Anh Chuyên .
All Rights Reserved.

8:00 - 17:00

Thời gian : thứ 2 - thứ 6

(028) 39977579

Liên hệ với chúng tôi

Facebook

Zalo

Search
Menu
 

NHÌN LẠI TRANH CHẤP VỀ QUYỀN TÁC GIẢ TRONG VỤ “THẦN ĐỒNG ĐẤT VIỆT” THEO QUY ĐỊNH CỦA LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG LẦN THỨ BA.

Aclaw > Kiến thức pháp luật  > NHÌN LẠI TRANH CHẤP VỀ QUYỀN TÁC GIẢ TRONG VỤ “THẦN ĐỒNG ĐẤT VIỆT” THEO QUY ĐỊNH CỦA LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG LẦN THỨ BA.

NHÌN LẠI TRANH CHẤP VỀ QUYỀN TÁC GIẢ TRONG VỤ “THẦN ĐỒNG ĐẤT VIỆT” THEO QUY ĐỊNH CỦA LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG LẦN THỨ BA.

       Ngày 16/6/2022, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (sau đây được viết là “Luật SHTT”). Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023. Đây được xem là lần sửa đổi, bổ sung thứ ba kể từ ngày Luật SHTT năm 2005 ra đời. Hai lần sửa đổi, bổ sung trước diễn ra vào các năm 2009 và 2019. Trong lần sửa đổi, bổ sung này, Luật đã có những điểm đổi mới liên quan đến nội dung về tác giả, đồng tác giả.

       Liên quan đến tranh chấp “Thần đồng đất Việt”, một vụ việc thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận năm 2019. Đây là tranh chấp diễn ra giữa nguyên đơn là ông Lê Phong L và bị đơn là Công ty Thương mại dịch vụ kỹ thuật và phát triển tin học PT, hiện là Công ty TNHH Truyền thông giải trí và Giáo dục PT (sau đây được viết là “công ty PT”). Ông L có yêu cầu công nhận ông là tác giả duy nhất đối với hình tượng 4 nhân vật O, P, Q, R và không thừa nhận bà Phan Thị Mỹ H1 là đồng tác giả trong việc sáng tác ra 4 nhân vật trên. Vậy nếu áp dụng những điểm mới trong Luật SHTT sửa đổi, bổ sung để xác định tác giả, đồng tác giả trong vụ việc trên sẽ mang lại kết quả ra sao, có những điểm khác biệt gì so với những quy định chưa bổ sung, sửa đổi về tác giả, đồng tác giả trong Luật SHTT trước đó?

Nguồn ảnh: VnExpress.net

 

       Thứ nhất, quy định về tác giả

       Theo quy định Luật SHTT, tác giả là người trực tiếp sáng tạo tác phẩm. So với Nghị định số 22/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan (Nghị định 22/2018/NĐ-CP) đã không còn quy định tác giả là người tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học.

       Đây là một sửa đổi mà theo quan điểm của tác giả là hợp lý: Về hình thức, sửa đổi mang lại một khái niệm về tác giả xúc tích và bao quát. Về nội dung, định nghĩa xem xét ai là tác giả dựa trên việc xem xét sự sáng tạo một tác phẩm từ hành vi trực tiếp tham gia sáng tạo mà không phụ thuộc vào kết quả của hành vi đó là tạo nên một phần hay toàn bộ tác phẩm. Đồng thời, cùng với việc bỏ các từ ngữ nhằm phân loại các tác phẩm (văn học, nghệ thuật và khoa học) cũng góp phần làm cho khái niệm trở nên khái quát và bao hàm được nhiều loại tác phẩm khác nhau mà không bị giới hạn như cách định nghĩa cũ.

       Theo quy định trên, liên quan đến vấn đề xác định tác giả của 4 nhân vật O, P, Q, R trong tranh chấp trên sẽ căn cứ vào việc xác định ai đã trực tiếp tham gia vào quá trình tạo nên 4 nhân vật ấy. Ông L là người đã trực tiếp vẽ ra 4 nhân vật, điều này được nguyên đơn khẳng định và bị đơn thừa nhận. Đồng thời, ông là người đã trực tiếp thể hiện sự sáng tạo đi từ ý tưởng đến việc hiện thực hóa ý tưởng đó thành 4 nhân vật cụ thể nên việc ông được xem là tác giả của 4 nhân vật trên là vô cùng hợp tình, hợp lý.

       Thứ hai, quy định về đồng tác giả

       Theo Luật SHTT: “Trường hợp có từ hai người trở lên cùng trực tiếp sáng tạo tác phẩm với chủ ý là sự đóng góp của họ được kết hợp thành một tổng thể hoàn chỉnh thì những người đó là các đồng tác giả”. So với quy định tại Nghị định 22/2018/NĐ-CP, việc xác định một đồng tác giả trong “Luật mới” không chỉ phụ thuộc vào việc cùng trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm mà còn phụ thuộc vào chủ ý của những người cùng trực tiếp sáng tạo tác phẩm. Chủ ý được hiểu là ý định chính, ý định đã có sẵn và là sự cố tình của chủ thể. Vậy theo quy định trên, những người khi trực tiếp tham gia vào sáng tạo một tác phẩm phải có ý định sẵn có trong việc cùng với nhau trực tiếp thực hiện tác phẩm và xem sự đóng góp của nhau là sự kết hợp để tạo nên một tổng thể hoàn chỉnh. Hay nói cách khác, những người cùng nhau trực tiếp sáng tạo tác phẩm đều đã thừa nhận công sức của nhau và hiểu được rằng nếu thiếu đi sự đóng góp của bất kỳ người nào trong số họ sẽ không thể tạo nên một tổng thể hoàn chỉnh. Theo quan điểm của tác giả, với quy định này, Luật SHTT đã góp phần đề cao vai trò của đồng tác giả, khẳng định giá trị công sức của đồng tác giả trong việc tạo nên tác phẩm.

       Từ đây liên quan đến việc bà H1 có được xem là đồng tác giả trong vụ việc trên hay không, câu trả lời sẽ là không. Cụ thể, xét các căn cứ trên thực tế, bà H1 cho rằng các nhân vật đã hình thành ngay từ ban đầu trong trí óc bà và việc bà thuê ông L chỉ để vẽ lại ý tưởng đó. Tuy nhiên, bà H1 đã không có căn cứ chứng minh cho vấn đề trên. Đồng thời, dựa trên những chứng cứ, lời khai của các bên và căn cứ vào điểm mới trong quy định của Luật SHTT về đồng tác giả, bà H1 không thỏa các điều kiện để được xem là đồng tác giả. Thứ nhất, bà không chứng minh được cũng như không có căn cứ cho rằng bà đã trực tiếp tạo ra 4 nhân vật. Thứ hai, vì không trực tiếp tạo ra 4 nhân vật nên không thể xem việc tạo ra 4 nhân vật hoàn chỉnh xuất phát từ chủ ý đóng góp ban đầu của bà H1. Đồng thời, bà H1 không nhận được sự thừa nhận của ông L, xem sự đóng góp của bà H1 là không thể thiếu trong việc góp phần tạo nên 4 nhật vật. Do đó, chỉ có ông L được xem tác giả duy nhất đối với 4 nhân vật O, P, Q, R.

       Ngoài ra, Luật SHTT còn bổ sung một quy định mới về đồng tác giả: “Việc thực hiện quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm có đồng tác giả phải có sự thỏa thuận của các đồng tác giả, trừ trường hợp tác phẩm có phần riêng biệt có thể tách ra sử dụng độc lập mà không làm phương hại đến phần của các đồng tác giả khác hoặc luật khác có quy định khác”. Với quy định này đòi hỏi khi thực hiện bất kỳ các vấn đề liên quan đến tác phẩm, các đồng tác giả phải có sự thỏa thuận với nhau và các quyết định liên quan đến tác phẩm đều phải xuất phát từ sự đồng thuận của các đồng tác giả. Điều này không những tôn trọng công sức của các đồng tác giả mà còn bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Trong vụ việc trên do bà H1 không phải là đồng tác giả của 4 nhân vật, nên khi thực hiện các công việc liên quan đến quyền nhân thân và quyền quyền tài sản của tác phẩm mà chưa có sự đồng thuận của ông L sẽ bị coi là hành vi xâm phạm quyền tác giả.

       Với những sửa đổi, bổ sung trong quy định về tác giả, đồng tác giả có thể nhận thấy rằng các sửa đổi, bổ sung  này phát sinh từ những vấn đề vướng mắc trong việc áp dụng các quy định pháp luật SHTT chưa đổi mới về tác giả và đồng tác giả trong thực tiễn xét xử. Từ những bất cập đã xảy ra, cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội, sự đổi mới, tiến bộ trong nhận thức của các nhà làm luật đã góp phần vào sự thay đổi của các quy định về tác giả, đồng tác nói riêng và các quy định trong Luật SHTT nói chung theo chiều hướng tích cực hơn và hoàn thiện hơn.